Chờ tiếng nói từ các cơ quan chức năng

281
GN – Gần đây, với sự bùng nổ thông tin của mạng xã hội, một số người thừa cơ hội sử dụng phương tiện này tạo nên những hiện tượng mang màu sắc tôn giáo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
thientongtandieu.jpg
Oái ăm: Nguyễn Nhân xuất hiện trên Đài Truyền hình VN để nói về “thiền tông Tân Diệu”
Lùm xùm nhất có thể kể đến là vụ việc ông Lê Tùng Vân, có lúc tự xưng là “Hòa thượng Thích Tâm Đức”, với các nam nữ thanh thiếu niên, các em nhỏ cạo tóc, khoác lên mình chiếc áo nâu và tự xưng là “thầy”, “ni cô”, “người tu”, “chú tiểu”…, gọi nơi cư trú của mình là “tịnh thất”, “chùa” (Bồng Lai), mặc nhiên đồng hóa với cơ sở tự viện và Tăng Ni, gây nên sự ngộ nhận trong dư luận.
Các công ty kinh doanh về ngành giải trí đã sử dụng hình ảnh đó để thu hút công chúng, đặc biệt sử dụng hình ảnh các em bé và gán cho danh xưng “chú tiểu” – người nhỏ tuổi tập sự xuất gia, trẻ mồ côi – diễn theo kịch bản tham gia thi thố các chương trình hài hay ca hát. Sự vụ này đến nay có thể nói đã dần dần được phơi bày trên mạng xã hội, một vài cơ quan báo chí chính thống cũng đã phản ánh, giải đáp những nghi vấn vốn không mấy hay ho như người ta tưởng…
Một hiện tượng khác dai dẳng khá lâu nhưng hiện vẫn chưa có hồi kết, đó là “thiền tông Tân Diệu”. Không hiểu sao một công trình với các luận điệu hoang tưởng, chỉ cần những ai có kiến thức căn bản về văn hóa, lịch sử dân tộc cũng không thể chấp nhận, lại được Nhà xuất bản Tôn Giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ cấp giấy phép lưu hành.
Chính nhờ giấy phép đó, những người chủ trương công trình này vin vào, cho rằng việc họ nói và làm đã được các cơ quan chức năng quản lý về tư tưởng, văn hóa tôn giáo của Chính phủ công nhận. Điều đó đặt ra câu hỏi, phải chăng một ấn phẩm nếu không vi phạm các điều cấm kỵ về chính trị thì vẫn được pháp luật bảo hộ, bất chấp nó chứa nội dung xuyên tạc lịch sử và làm nhiễu loạn văn hóa?
Oái oăm hơn, những ấn phẩm này sau đó được giới thiệu trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, thậm chí không biết bằng cách nào lại được một vài nhóm, hội đoàn tôn vinh qua các giải thưởng!
Về mặt pháp luật, mọi công dân đều có quyền nhận thức và bày tỏ quan điểm cá nhân. Nhưng khi quan điểm cá nhân lệch lạc, xuyên tạc lịch sử lại được cơ quan quản lý nhà nước bảo hộ sẽ khiến cho tình hình thêm rối loạn, có thể gây mất niềm tin, tạo thêm sự khó khăn cho việc cổ xúy tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, đặc biệt trong liên hệ trực tiếp đến một tôn giáo có lịch sử hai ngàn năm gắn bó với đất nước, dân tộc là Phật giáo.
Nhận thức là căn bản định hướng hành động. Đạo Phật thường nhắc nhở rằng, thà phải chịu vào chốn a-tỳ địa ngục – nơi tối tăm cùng cực – còn hơn là gieo sự hiểu biết lệch lạc (tà kiến) vào đầu óc của người khác. Cũng vậy, đối với văn hóa, đặc biệt là tôn giáo, nếu dễ dãi và dung dưỡng những hiện tượng trá hình, dù vì mục đích gì, cũng sẽ để lại những mối nguy hại về sau.
GHPGVN địa phương và Trung ương đã lên tiếng, nhận định, báo cáo về những hiện tượng này bằng văn bản chính thức gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như phát ngôn trên các phương tiện truyền thông. Động thái còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Tăng Ni, Phật tử đang chờ đợi điều đó và mong rằng không để chuyện thành “bèo dạt mây trôi”…

Diệu Nghiêm ( Theo GNO )