”Từ bi, bác ái” đồng hành cùng dân tộc

80
Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng phát huy vai trò là một tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, luôn quan tâm hướng dẫn tăng, ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong thời gian giãn cách, thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, làm tốt an sinh xã hội, chăm lo cho bà con Phật tử, đồng hành cùng địa phương.
Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566
Quang cảnh Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566
Về công tác từ thiện xã hội, điển hình như Tuệ Tĩnh Đường Linh Quang (Phường 6, TP Đà Lạt), chùa Khánh Hỷ (huyện Đạ Huoai), tổ chức khám bệnh, châm cứu và cấp thuốc Nam miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm, đang hoạt động rất hiệu quả. Tổng trị giá hoạt động từ thiện trên hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Lâm Đồng hiện có 2 xe cấp cứu được đặt tại Tuệ Tĩnh Đường Linh Quang và chùa Linh Thắng (huyện Di Linh), chuyên chở miễn phí bệnh nhân nghèo chuyển viện từ các bệnh viện trung tâm y tế các huyện, TP trong tỉnh đến các bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, giúp các bệnh nhân nghèo có thêm điều kiện chữa trị bệnh. Là một trong những thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm hướng dẫn tăng, ni, tín đồ Phật tử học tập về Hiến pháp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Nghị định 162 của Chính phủ, khẳng định chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với tầng lớp Nhân dân và Phật tử.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, các Ban Từ thiện Phật giáo 12 huyện, TP, chư tôn đức tăng, ni, đạo tràng Phật tử các tự, viện đã nhiệt tình hưởng ứng các phong trào ích nước lợi nhà, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi, người tàn tật, Quỹ Khuyến học, hội người mù, Quỹ Bảo trợ người cao tuổi, bảo trợ bệnh nhân nghèo. Cùng đó là xây dựng cầu, đường, xây dựng nhà Tình nghĩa, nhà Tình thương, giếng nước sạch, tặng xe đạp, xe lăn, quần áo, lương thực, thực phẩm, phát quà cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp thường xuyên cho người già cả, neo đơn không nơi nương tựa, trao tặng học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo hiếu học, thường xuyên tổ chức nấu cháo, phát cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố.
Vào những dịp lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, Đại lễ Phật đản, Vu Lan báo hiếu, ban từ thiện các đơn vị đã tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho bệnh nhân nghèo, các trung tâm bảo trợ xã hội, Trường Khiếm thính Lâm Đồng, Trường Thiểu năng Hoa Phong Lan Đà Lạt… Ngoài ra, Ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Lâm Đồng còn tổ chức nhiều đợt cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, ủng hộ các địa phương, gia đình gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nhiều chùa trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã tham gia các Chương trình “Tiếp sức mùa thi” với hàng chục ngàn suất cơm và chỗ ở miễn phí cho hàng ngàn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh tham dự kỳ thi tuyển sinh tại các trường cao đẳng và Đại học Đà Lạt.
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các ban, ngành, đoàn thể địa phương như: Ban Dân vận, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, TP Đà Lạt, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng…; GHPGVN tỉnh đã chung tay với chính quyền địa phương tham gia tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ban Từ thiện Phật giáo các huyện, thành phố, chư tôn đức tăng, ni, đạo tràng Phật tử tỉnh Lâm Đồng đã vận động, chuyên chở hàng chục ngàn tấn rau, củ quả, lương thực, thực phẩm, tịnh tài, tịnh vật ủng hộ cho bà con đang gặp khó khăn, hỗ trợ y, bác sĩ tại các trung tâm y tế, khu điều trị cách ly vùng dịch bệnh ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Phòng khám bệnh Tuệ Tĩnh Đường Linh Quang Đà Lạt, dưới sự điều động của Trung tâm Y tế TP Đà Lạt, đã cử 16 y sĩ, điều dưỡng tham gia tuyến đầu chống dịch, tổ điều trị F0 tại nhà và tham gia 46 đợt tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho Nhân dân trên địa bàn thành phố. Tu viện Bát Nhã thành phố Bảo Lộc, cũng đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo chính quyền địa phương, thành lập bệnh viện dã chiến, làm nơi thu dung, điều trị F0, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong những đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành tại địa phương. Tổng kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội trên 203,3 tỷ đồng.
Chư tôn đức tăng, ni, Phật tử tỉnh Lâm Đồng luôn phát huy tinh thần từ bi, triết lý Phật giáo vào đời sống xã hội như là trách nhiệm của người con Phật. Tại huyện Di Linh, có chùa Pháp Hoa và chùa Thanh Sơn, nơi quy tụ số đông người đồng bào dân tộc thiểu số đến chùa tu học. Đây là hai môi trường tu học lý tưởng, người đồng bào không những được hướng dẫn tu học, lại còn được hỗ trợ kinh tế, giới thiệu việc làm giúp người dân tạo thu nhập, giải quyết mưu sinh.
Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh ân cần thăm hỏi động viên, hỗ trợ bệnh nhân
Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo tỉnh ân cần thăm hỏi động viên, hỗ trợ bệnh nhân
Huyện Bảo Lâm có chùa Di Đà, ngôi tự viện thuộc xã Đam B’ri, nằm giữa lòng của ngôi làng thuộc đồng bào dân tộc Châu Mạ. Tại đây, đại đức trú trì mở lớp nhà trẻ trông coi các cháu nhỏ để cha mẹ các cháu có thời gian đi làm kiếm cái ăn, cái mặc hằng ngày, ổn định kinh tế gia đình, bớt đi gánh nặng khó khăn cho người đồng bào. Đến nay, nhà trẻ đã hoạt động trên 16 năm…
Huyện Đạ Huoai, nơi vùng sâu vùng xa, người dân có đời sống khó khăn trong đó đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thấy nhu cầu cấp thiết nên cố Thượng tọa Thích Minh Hạnh – Trưởng BTS GHPGVN huyện mở lớp học tình thương từ năm 2006. Mặc dù hoạt động bán trú, nhưng hơn 16 năm qua, lớp học đã chắp cánh cho cả ngàn em được bước vào lớp 1 hoàn toàn miễn phí. Một lớp học tình thương tự phát nhưng đến nay đã có 3 lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo, dưới hệ thống tổ chức giáo dục khá tốt, đủ tiêu chuẩn để lên trường mầm non.
Huyện Đức Trọng có Cô nhi viện Lục Hòa, nơi cưu mang nuôi dưỡng hơn 40 trẻ mồ côi, cơ nhở, trẻ có hoàn cảnh khó khăn được ổn định phát triển về thể chất lẫn tinh thần.
Cơ sở thứ hai tại Cô nhi viện Lục Hòa hơn một năm nay là lớp học mầm non được mở ra để dạy cho số trẻ tại đây đồng thời tiếp nhận một số trẻ khó khăn trong cộng đồng tại xã Hiệp An…
Có thể nói, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội của GHPGVN tỉnh đã để lại nhiều thành tựu đáng trân trọng, được lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, các tăng, ni, Phật tử và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG TRONG NHIỆM KỲ 2017-2022
1. Hiện nay, số lượng tăng, ni trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 2.908 vị, số lượng tín đồ ước chừng 520.000 Phật tử, trong đó, Phật tử người dân tộc thiểu số khoảng 7.500 người, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Lâm Đồng có 12 ban trị sự Phật giáo cấp huyện, thành phố và 11 Ban chuyên môn.
2. Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mở lớp Cử nhân Tôn giáo học, hệ vừa học vừa làm. Khai giảng ngày 17/5/2017, gồm 96 tăng, ni theo học. Sau 4 năm theo học, ngày 27/2/2022 đã có 38 sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Tôn giáo học
3. Tổ chức Đại lễ Phật đản PL. 2562 – PL 2563 – PL 2564 – PL 2565 và PL 2566 tại các huyện, thành phố trong tỉnh hết sức trang nghiêm và trọng thể. Tại lễ đài chính chùa Linh Sơn, lễ đài các huyện có tổ chức biểu diễn văn nghệ kính mừng Phật đản. Tại thành phố Đà Lạt, bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng, Ban Trị sự Phật giáo TP Đà Lạt đã trần thiết lễ đài đức Phật đản sanh, lễ tắm Phật, phóng sanh đăng, thuyền hoa và thắp sáng 7 đóa hoa sen to trang hoàng đẹp mắt, thu hút hàng ngàn bà con Phật tử, người dân và khách du lịch đến xem và chiêm bái.
4. Nhờ vận động, tuyên truyền tốt về công tác an sinh xã hội, tổng kinh phí cho các hoạt động từ thiện xã hội nhiệm kỳ qua lên đến trên 203,3 tỷ đồng.
5. Toàn tỉnh có trên 100 đạo tràng với trên 10.000 Phật tử, thường xuyên tu học tại các chùa. Đặc biệt, có Đạo tràng đồng bào dân tộc thiểu số chùa Pháp Hoa, chùa Thanh Sơn huyện Di Linh, chùa Di Đà huyện Bảo Lâm, chùa Phước Huệ TP Bảo Lộc, chùa Phước Cát, huyện Cát Tiên, có trên 7.000 Phật tử sinh hoạt vào Chủ nhật hàng tuần.
6. Thành lập website phatsulamdong.vn, nhóm Zalo Truyền thông Lâm Đồng, để truyền tải thông tin một cách nhanh chóng. Nhờ vậy mọi hoạt động Phật sự của Ban Trị sự cũng như các cơ sở tự viện đã được Ban Thông tin Truyền thông cập nhật và đưa tin đến chư tăng, ni và Phật tử một cách thuận lợi. Đặc biệt, trong mùa dịch bệnh, Ban Thông tin Truyền thông đã thường xuyên truyền tải những thông tư, thông bạch về phòng, chống dịch bệnh của Hội đồng Trị sự – Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, chỉ thị của Chính phủ đến với Phật tử một cách nhanh chóng, góp phần cho các tự viện, Phật tử tham gia phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cao.
N.THU