Phật giáo Đức Trọng : Thành kính tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân

284

Chiều 13 tháng 4 năm Quý Mão ( 31/5/2023), nằm trong khuôn khổ tuần lễ Phật Đản PL 2567 – DL. 2023,  tại chùa Hội Phước (nơi trần thiết lễ đài chính), Ban Trị sự GHPGVN huyện Đức Trọng đã thành kính tổ chức lễ tưởng niệm 60 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963 _ 2023).

Chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự , chư tôn đức Tăng Ni và hàng trăm đạo tràng Phật tử trong toàn huyện thành kính tưởng niệm.

Trong không khí thiêng liêng, hòa quyện với mùi trầm hương giải thoát, Chư tôn Đức Tăng Ni và toàn thể đạo tràng Phật tử đã  chấp tay cúi đầu trước tôn dung  Bồ Tát Thích Quảng Đức được thiết trí tại lễ đài chính mừng khánh đản .

Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, Bồ-tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng. Bồ-tát đã lấy tình thương hóa giải những bất công, tàn bạo, góp phần cho thành công của cuộc đấu tranh đời bình đẳng, tự do tín ngưỡng. Ngài đã hy sinh thân mình cho đạo pháp trường tồn, chúng sinh an lạc.

Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, mầu nhiệm, quả tim bất diệt và sự hy sinh to lớn của Bồ-tát Thích Quảng Đức là nhân tố tích cực, hun đúc tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, hình thành nên GHPGVN  là đỉnh cao của thời đại và lịch sử Phật giáo Việt Nam trong một quốc gia độc lập, thống nhất . Mỗi người con Phật chúng ta sẽ là một đóa sen, tô điểm cho ngôi nhà Phật giáo đẹp mãi trong lòng dân tộc.

Theo tiểu sử,  Hòa thượng Thích Quảng Đức (1897 – 1963), họ Lâm, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Năm Lên 7 tuổi, ngài được song thân cho xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì chùa Long Sơn (Khánh Hòa), thuộc dòng thiền Chúc Thánh. Năm 15 tuổi, ngài thọ giới Sa-di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ-kheo và bồ-tát, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức.

Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, ngài đảm nhận Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa. Ba năm sau, ngài được thỉnh giữ chức Kiểm Tăng thuộc Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm 1948, rời Khánh Hòa vào Nam, ngài hành đạo khắp các tỉnh: Sài Gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa, Hà Tiên… Năm 1953, ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng Già Nam Việt, trú trì chùa Phước Hòa (Bàn Cờ), là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt. Năm 1958, khi trụ sở của Hội dời về chùa Xá Lợi, ngài xin thôi mọi chức vụ để có đủ thì giờ an tâm tu niệm.

Cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo lên cao, tuy tuổi đã cao, ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị Phật giáo và đàn áp Tăng Ni, Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi.

Sáng ngày 20-4-Quý Mão (ngày 11-6-1963), cuộc diễn hành rước di ảnh các Thánh tử đạo của hơn 800 Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễn hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng 8), Bồ-tát Thích Quảng Đức từ trên xe hơi bước xuống, tự tẩm xăng, châm lửa tự thiêu trong tư thế ngồi kiết già thiền định. Hòa thượng để lại lời hiệu triệu: ”Tôi tha thiết kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật giáo”.

 “Lời nguyện tâm quyết” đầy tinh thần từ bi, khoan dung, cầu cho đạo pháp trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc . Sự hy sinh cao cả của Ngài và ngọn lửa thiêng hùng tráng cho đạo pháp đã để lại “trái tim bất diệt” còn nguyên vẹn dù đã nung trong lửa nóng 4.000 độ C nhiều giờ liền …  “ Bóng Người  vượt chín tầng mây – Nhân gian mát rượi bóng cây Bồ-Đề”.

Tin : Linh Toàn _  ảnh : Trung Pháp