BS Nguyễn Hữu Đức : Phòng ngừa bệnh tim mạch do xơ vữa từ lối sống

650

Ai cũng biết, mạch máu có ở khắp cơ thể của chúng ta. Do đó, bệnh động mạch do xơ vữa là bệnh toàn thân, có thể gặp ở tất cả các động mạch lớn đến trung bình ở tất cả các vị trí như: tim, não, thận, mắt, các chi… Xơ vữa mạch máu gây biến cố nguy hiểm đến tính mạng. Nếu biến cố xảy ra ở động mạch vành thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xảy ra ở động mạch não thì sẽ bị đột quỵ nhồi máu não, để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong khi đó, chỉ cần thay đổi lối sống đã có thể kiểm soát tốt huyết áp và phòng ngừa biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa.

Tăng huyết áp và xơ vữa động mạch là gì?

Tăng huyết áp: khi huyết áp > 140/90 mmHg, hoặc tăng huyết áp tâm thu đơn độc (khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg), hoặc tăng huyết áp tâm trương đơn độc (thường xảy ra ở người trung niên, khi huyết áp tâm trương > 90 mmHg và huyết áp tâm thu < 140 mmHg).

Tăng huyết áp 90% là vô căn (không có nguyên nhân), khoảng 5 – 10% các trường hợp tăng huyết áp có thể phát hiện được nguyên nhân như: bệnh chủ mô thận, bệnh mạch máu thận, u tủy thượng thận, cường aldosterone tiên phát, hội chứng Cushing, hẹp quai động mạch chủ, tăng huyết áp do thuốc (dùng kháng viêm giảm đau kéo dài, corticoid hoặc các thuốc có chứa corticoid, cam thảo, viên tránh thai…), hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, di truyền.

Xơ vữa động mạch (Atherosclerosis): là một đáp ứng viêm, tăng sinh xơ sợi đối với tình trạng bắt giữ vào bên trong các lớp nội mạc động mạch các lipoprotein gây xơ vữa trong huyết tương. Xơ vữa động mạch  có thành phần vữa xơ liên quan đến lipid, gây ra tình trạng mất ổn định của mảng xơ vữa như gây vỡ mảng xơ vữa… dẫn đến tạo huyết khối thuyên tắc, gây biến cố nguy hiểm đến tính mạng. Nếu biến cố xảy ra ở động mạch vành thì sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xảy ra ở động mạch não thì sẽ bị đột quỵ nhồi máu não, để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Chúng ta biết rằng, mạch máu có ở khắp cơ thể của chúng ta, do đó bệnh động mạch do xơ vữa là bệnh toàn thân, có thể gặp ở tất cả các động mạch lớn đến trung bình ở tất cả các vị trí như: tim, não, thận, mắt, các chi…

Các yếu tố nào ảnh hưởng đến sự hình thành mảng xơ vữa động mạch?

Tăng huyết áp: Là một nguy cơ chính và độc lập của bệnh xơ vữa động mạch, nhất là bệnh động mạch vành và bệnh động mạch não. Khi tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tử vong bệnh động mạch vành lên gần gấp 2 lần.

Rối loạn mỡ máu: Giảm HDLc (High Density Lipoprotein Cholesterol – Cholesterol Lipoprotein tỉ trọng cao, có vai trò bảo vệ, do đó giảm HDLc là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch do xơ vữa). Tăng Cholesterol toàn phần, tăng LDLc (Low Density Lipoprotein Cholesterol – Cholesterol Lipoprotein tỉ trọng thấp) là các yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch do xơ vữa. Như vậy rối loạn mỡ máu có thể là: giảm HDLc đơn độc, tăng Cholesterol toàn phần, tăng LDLc, tăng Triglyceride máu đơn độc hoặc phối hợp nhiều yếu tố.

Đái tháo đường: Là nguy cơ chính và độc lập của bệnh tim mạch do xơ vữa. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng mảng xơ vữa động mạch ở bệnh nhân có đái tháo đường thường có tổn thương lan tỏa và phức tạp hơn ở bệnh nhân không có đái tháo đường.

Hút thuốc lá: hút thuốc lá chủ động (do chính bản thân mình hút) hay thụ động (hít khói thuốc lá của người khác hút) đều là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch do xơ vữa. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 80% các trường hợp tử vong do bệnh động mạch vành tại Hoa Kỳ mỗi năm đều có liên quan đến hút thuốc lá. Hút thuốc lá cũng là nguyên nhân chính của bệnh lý mạch máu ngoại biên và phình động mạch chủ bụng, và cũng là yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ thiếu máu não cục bộ.

Giới tính: Cả hai phái đều có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa như nhau nhưng nam giới lại phát triển bệnh động mạch vành sớm hơn nữ giới 10 – 15 năm. Ở Hoa Kỳ, vào thời điểm 60 tuổi chỉ có khoảng 6% phụ nữ là có biến cố bệnh động mạch vành trong khi nam giới là 20%. Tuy nhiên, sau 60 tuổi thì bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam lẫn nữ, tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành sau 60 tuổi thì tương đương nhau ở cả hai giới nam và nữ. Đặc biệt ở nữ giới, tình trạng mãn kinh sớm (trước 45 tuổi) do cắt buồng trứng hay tự nhiên thì sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch do xơ vữa, nhất là bệnh động mạch vành.

Tuổi tác: Tuổi là một yếu tố nguy cơ mạnh mẽ của bệnh tim mạch do xơ vữa, lại là yếu tố không thay đổi được. Sự phát triển của Xơ vữa động mạch tăng đáng kể theo tuổi đến khoảng 65 tuổi, bất kể giới tính nam hay nữ, bất kể chủng tộc da đen hay da trắng. Mặc dù tuổi là yếu tố nguy cơ mạnh mẽ của bệnh tim mạch do xơ vữa, nhưng sự ảnh hưởng độc lập của tuổi với bệnh tim mạch do xơ vữa là phụ thuộc vào cholesterol, ở những trường hợp có mức cholesterol < 150 mg% thì biến cố bệnh động mạch vành ở người cao tuổi thấp hơn nhiều.

Ngoài ra còn có các yếu tố khác như: tình trạng viêm/nhiễm trùng (tình trạng viêm đóng một vai trò quan trọng trong sự khởi đầu và tiến triển của xơ vữa động mạch), các yếu tố về đông cầm máu (như fibrinogen, tiểu cầu… sự tạo thành thrombin và sự hoạt hóa tiểu cầu đóng vai trò nguyên nhân trong sự gây ra tắc mạch do thrombin trong lòng mạch thông qua xơ vữa động mạch và cũng có vai trò trong việc tiến triển chậm của các sang thương xơ vữa động mạch), homocystein (tăng nhẹ đến vừa homocystein máu là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch do xơ vữa: bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại biên, động mạch cảnh).

Tăng huyết áp gây ra hậu quả đến các cơ quan trong cơ thể như thế nào (tổn thương cơ quan đích) nếu không kiểm soát tốt huyết áp?

Tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến cơ quan đích như: tim, não, thận, mắt và mạch máu ngoại biên.

Tại tim: phì đại hoặc dãn buồng tim trái, suy tim, bệnh động mạch vành, rối loạn nhịp tim và đột tử.

Tại não, thần kinh: đột quỵ, 85% là nhồi máu não, 10% là xuất huyết não, có thể gặp cơn thoáng thiếu máu não hoặc bệnh não do tăng huyết áp (sa sút trí tuệ).

Tại thận: đứng sau đái tháo đường, tăng huyết áp là nguyên nhân hay gặp của bệnh thận mạn và suy thận giai đoạn cuối.

Tại mắt: tổn thương động mạch võng mạc mắt, có thể gây xơ hóa, hẹp động mạch võng mạc làm giảm thị lực, hoặc nặng hơn là xuất tiết xuất huyết, phù gai thị gây mù.

Tại mạch máu ngoại biên: 30% bệnh nhân tăng huyết áp có biến chứng xơ vữa động mạch, bệnh động mạch cảnh, động mạch chi dưới, hoặc phình bóc tách động mạch chủ.

Chúng ta cần thay đổi lối sống như thế nào để kiểm soát tốt huyết áp và phòng ngừa biến cố bệnh tim mạch do xơ vữa?

Thay đổi lối sống cần áp dụng cho mọi trường hợp, chưa điều trị bằng thuốc hoặc đang dùng thuốc. Nếu chúng ta chưa bị bệnh, thay đổi lối sống lành mạnh giúp phòng được bệnh hoặc giảm thiểu biến cố của bệnh tim mạch do xơ vữa theo tuổi, giúp cho tuổi sinh học (tuổi của mạch máu) của chúng ta trẻ hơn tuổi đời. Nếu chúng ta đã bị bệnh, thay đổi lối sống tốt cũng giúp giảm được các biến cố nguy hiểm, làm chậm tiến triển của mảng xơ vữa, và góp phần giảm được hàm lượng cũng như số lượng thuốc chúng ta dùng hằng ngày, giúp giảm được tác dụng phụ của thuốc. Các biện pháp thay đổi lối sống tích cực gồm có:

Giảm cân nặng nếu thừa cân: nên giữ chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index) trong khoảng 18 – 25 kg/m2. Trong đó: BMI = Cân nặng (kg)/ [Chiều cao (m)]2

Giảm ăn mặn: muối natri trong khẩu phần ăn nên giảm 100 mmol/ngày (<2,4g natri hoặc < 6 g muối ăn); khoảng 75% muối được cung cấp từ thức ăn, do đó nếu có tăng huyết áp nên hạn chế thực phẩm đóng hộp, hạn chế nước chấm; nên xem hàm lượng muối ghi trên các nhãn thực phẩm, muối ăn có tên hóa học là Sodium Chloride, nên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng muối thấp (Low Sodium) hoặc không có muối (Free Sodium).

Tăng hoạt động thể lực: hoạt động thể lực đều đặn giúp kiểm soát tốt huyết áp, cải thiện nồng độ Cholesterol trong máu, duy trì mức đường huyết ổn định, tăng lượng oxy đến não và các cơ quan trong cơ thể. Nếu chúng ta chưa có thói quen tập luyện thể lực, có thể khởi đầu khoảng 10 phút – 30 phút đi bộ trong ngày, sau đó tăng dần tùy theo tình trạng sức khỏe của chúng ta.

Chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension): ăn nhiều trái cây, rau, ít mỡ (giảm chất béo toàn phần và loại bão hòa).

Hạn chế rượu, bia: lượng rượu tối đa mỗi ngày có thể uống theo khuyến cáo dành cho người Châu Âu là 720 ml bia, hoặc 300 ml rượu vang, hoặc 60 ml rượu mạnh (giảm phân nữa ở phụ nữ và người nhẹ cân).

Ngưng hút thuốc lá: bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá giúp cải thiện huyết áp, giảm biến cố bệnh động mạch vành, giảm đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại biên.

Giảm stress: lo lắng căng thẳng có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng các gốc oxy hóa làm tăng quá trình vữa xơ động mạch. Những lúc quá căng thẳng, chúng ta nên dành một ít thời gian để thư giãn như đọc sách báo, đi bộ đếm từng bước chân thư giãn, tập yoga nếu có điều kiện hoặc tham gia hoạt động xã hội từ thiện. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh, khi chúng ta có cuộc sống an vui, hạnh phúc thật sự từ trong nội tâm, thì cơ thể chúng ta sản sinh nhiều chất chống oxy hóa, làm bền và làm chậm diễn tiến của mảng xơ vữa giúp giữ được tuổi “thanh xuân” cho mạch máu, đồng thời các chất chống oxy hóa này cũng giúp hạn chế được quá trình tế bào chết theo chương trình, ngoài ra cũng ngăn được sự tăng sinh tế bào ngoài mong muốn giúp chậm hoặc dừng sự tiến triển của tế bào ung thư.

BS CKII Nguyễn Hữu Đức – Viện tim TP. HCM

( Theo Tạp Chí Sức Khỏe)